Newbie viết gì vào CV để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng? 

Việc các nhà tuyển dụng (NTD) có xu hướng khắt khe hơn khi lựa chọn ứng viên khiến những người chưa có kinh nghiệm, nhất là các bạn sinh viên mới ra trường gặp nhiều khó khăn. Lúc này, một bản CV đủ nổi bật sẽ là “cứu cánh” của các bạn. Trong bài viết này, BSV sẽ “tiết lộ” những bí quyết để tạo nên một bản CV chuyên nghiệp dành cho các bạn newbie. 

Bản Sơ yếu lý lịch (CV) là một tập văn bản tóm tắt lại những thông tin cá nhân cơ bản, trình độ học vấn, các kinh nghiệm làm việc và thành tựu đã đạt được, dùng để ứng tuyển vào một vị trí công việc. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định việc nhà tuyển dụng (NTD) có lựa chọn bạn đi tiếp vào các các vòng sau hay không.

Những người chưa có kinh nghiệm sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn thiện CV của mình

Top 5 “bí kíp” giúp newbie chinh phục các nhà tuyển dụng

Trước khi bắt tay vào viết CV, bạn cần dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kĩ về vị trí, yêu cầu công việc cũng như tham khảo về văn hóa của công ty để hiểu được vị trí công việc này cần gì ở bạn, và bạn đáp ứng được những gì. Hiểu công việc và hiểu thế mạnh của bản thân giúp bạn lựa chọn được những yếu tố phù hợp để đưa vào CV và làm nổi bật hồ sơ của bản thân. 

  1. HÃY GHI ĐẦY ĐỦ THÔNG TIN CĂN BẢN

Về cơ bản, một bản CV đầy đủ thông tin sẽ cần những mục sau: 

  • Thông tin cá nhân: Họ tên, số điện thoại và email liên lạc
  • Mục tiêu nghề nghiệp: Đây là một đoạn văn bản ngắn (2-3 câu) trình bày khái quát về điểm mạnh, những gì bạn có thể đem đến cho công ty và mục tiêu nghề nghiệp cụ thể. 
  • Kinh nghiệm làm việc: Bạn cần liệt kê các thông tin về tên công ty cũ, thời gian làm việc, vị trí và các đầu công việc từng làm tại đây. Kinh nghiệm làm việc cũng có thể bao gồm công việc part-time hay thực tập, nhưng hãy cân nhắc lựa chọn dựa trên tính phù hợp với công việc hiện tại.
  • Trình độ học vấn: Liệt kê cấp học của bạn, bao gồm cả thời gian, mức điểm tổng kết hay xếp loại bằng. 
  • Kỹ năng: Nơi bạn trình bày các kỹ năng mà mình có, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm,…
  • Chứng chỉ và giải thưởng (nếu có): Đây là nơi ghi lại những giải thưởng bạn đạt được, các chứng chỉ chuyên môn như IELTS, CFA,…

Hãy đảm bảo CV của bạn có đầy đủ những đầu mục trên, được trình bày một cách rõ ràng và cụ thể, giúp NTD dễ dàng theo dõi và có cái nhìn khái quát về ứng viên. 

      2. BẠN LÀ NGƯỜI CÓ MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP?

Mục tiêu nghề nghiệp là mục được xếp đầu tiên trong CV và cũng là điều mà các NTD chú ý đến ngay khi cầm trên tay CV của bạn. Mục tiêu càng cụ thể và rõ ràng thì NTD sẽ phần nào hiểu được con người và lý do vì sao đây là ứng viên phù hợp dù chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. 

Với một newbie, khi viết mục tiêu, bạn hãy tập trung vào trình bày những kiến thức đã học được và các kỹ năng, trình độ sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. 

     3. KỸ NĂNG NỔI BẬT CỦA BẠN LÀ GÌ?

Với một sinh viên mới ra trường, bạn có thể chưa có nhiều điều để điền vào mục kinh nghiệm làm việc. Đây là lúc phần kỹ năng sẽ là “cứu cánh” của bạn. Hiện nay, nhiều NTD đang dần thay đổi cách mô tả yêu cầu công việc, tập trung vào kỹ năng và thế mạnh thay vì bằng cấp và kinh nghiệm. Điều này có thể giúp bạn chứng minh sự phù hợp của mình với công việc trong CV, bất kể bạn là sinh viên hoặc người mới ra trường, vẫn đang xây dựng trình độ và kinh nghiệm của mình. 

Hãy đưa những kỹ năng bạn sở hữu đáp ứng được yêu cầu của NTD và có thể hỗ trợ các mục tiêu của công ty lên đầu. Sau đó, bạn có thể cân nhắc đến các kỹ năng khác, nhưng vẫn phải đảm bảo đấy là một kỹ năng có thể hỗ trợ, giúp bạn phát triển với vị trí ứng tuyển. 

    4. TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN LUÔN LÀ MỘT ĐIỀU QUAN TRỌNG

Đây là một trong những điểm dễ gây ấn tượng trong mắt NTD khi ứng viên là người chưa có quá nhiều kinh nghiệm. Trình độ học vấn sẽ cho thấy bạn được đào tạo bài bản, có kiến thức nền tảng và tiềm năng phát triển trong tương lai. Bởi vậy, đừng quên ghi đúng và đủ thông tin tại mục này, cũng như ưu tiên các bằng cấp cao nhất của bạn lên đầu. 

   5. ĐỪNG BỎ QUA CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ

Đối với những người chưa có kinh nghiệm chuyên môn, các hoạt động ngoại khóa là cách họ thể hiện cho NTD thấy kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân. Đừng ngần ngại đưa những hoạt động thiện nguyện, hoạt động trong câu lạc bộ vào trong CV. Tuy nhiên, bạn cần phải khéo léo lựa chọn những thông tin thật sự cần thiết và thu hút sự quan tâm của NTD. 

Chẳng hạn, NTD đang tìm kiếm một ứng viên có kỹ năng viết tốt và bạn đã từng là trưởng ban nội dung của một câu lạc bộ. Hãy trình bày tóm tắt nhiệm vụ và kỹ năng bạn đạt được thông qua vị trí trưởng ban đó. Đây chắc chắn sẽ là một điểm cộng giúp bạn trở nên nổi bật trong mắt NTD. 

CV của một người mới cần làm nổi bật được những thông tin như Mục tiêu, Kỹ năng, Học vấn,…

 

CV không chỉ giúp NTD thấy bạn đã làm được gì mà còn thể hiện bạn có thể làm gì. Vậy nên, các bạn newbie cần đầu tư, chỉn chu trong việc tạo CV từ nội dung đến hình thức. 

Hi vọng rằng với những chia sẻ trên, các ứng viên chưa có kinh nghiệm sẽ biết cách khai thác thông tin để đưa vào CV, từ đó tạo được cho mình một bản sơ yếu lý lịch đầy ấn tượng. 

 

Chia sẻ bài viết

Bài viết khác

Scroll to Top