Có bao giờ bạn cảm thấy mình giống như một món đồ gốm bị nứt vỡ – lý trí lạc hướng, tâm hồn tổn thương, công việc thất bại?
Kintsugi (金継ぎ) – “hàn gắn bằng vàng” – là một nghề thủ công phục hồi đồ gốm bị nứt vỡ, xuất hiện từ thế kỷ XV ở Nhật Bản. Thay vì vứt bỏ những mảnh vỡ, nghệ nhân Kintsugi “hồi sinh” chúng bằng sơn mài trộn với bột vàng, bạc hoặc bạch kim. Mặc dù hình dạng ban đầu của món đồ gốm đã biến mất mãi mãi, nhưng nó lại được “tái sinh” trong hình hài mới, mang một vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt.
Ngoài tính thẩm mỹ, Kintsugi cũng cho chúng ta nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống.
Bài học số 1. Trân trọng cả những khiếm khuyết
Không ai sinh ra đã hoàn hảo, ai cũng có những điểm chưa trọn vẹn – những sai lầm trong quá khứ, những vết thương tinh thần hay những thiếu sót trong tính cách. Trong xã hội hiện đại, nhiều người sẽ cảm thấy áp lực nên phải che giấu những khuyết điểm của mình, sợ rằng nếu để lộ, họ sẽ bị đánh giá, bị tổn thương hoặc thậm chí bị bỏ rơi. Thế nhưng, Kintsugi cho chúng ta chiêm nghiệm một điều: truy cầu sự hoàn hảo là điều không tưởng, thay vào đó, trân trọng cả những điểm khuyết và tìm cách hoàn thiện nó.
Hãy tưởng tượng bạn là một nhân viên chăm sóc khách hàng mới, vì lo lắng, hồi hộp nên quên mất thông tin sản phẩm, thay vì cố gắng trả lời qua loa, bạn có thể nói: “Cảm ơn anh/chị đã đưa ra câu hỏi. Em muốn đảm bảo rằng mình cung cấp thông tin chính xác nhất cho anh/chị. Vui lòng đợi em kiểm tra lại và phản hồi sau vài phút ạ!”
Việc thừa nhận bản thân chưa biết hết mọi thứ không phải là điềm yếu mà là một biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và sự chân thành. Khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi biết rằng thông tin họ nhận được là chính xác. Bạn không hoàn hảo nhưng điều quan trọng là bạn biết chấp nhận khiếm khuyết, rút kinh nghiệm từ những lỗi sai và tận dụng thế mạnh của mình.
Bài học số 2: Trưởng thành sau những rạn nứt
Ẩn sau những “mảnh vỡ” lại là cơ hội để “tái sinh” đầy ngoạn mục. Không thể phủ nhận vẻ đẹp và sự đặc biệt của mỗi món đồ gốm được làm lại. Chúng rất độc đáo, có 1-0-2. Đó là nhờ sự tỉ mỉ, kiên nhẫn trong quá trình hàn gắn và tô vẽ lại nó.
Mọi người thường có xu hướng trốn tránh việc nhìn lại những tổn thương, vấp ngã, thất bại mà mình từng trải qua, nhưng thực ra, mỗi “vết nứt” trong cuộc đời lại mang một câu chuyện riêng, mà nhờ đó, bạn trở nên trưởng thành hơn. Cuộc đời mỗi chúng ta ý nghĩa, đa sắc màu hơn sau những trải nghiệm đầy cảm xúc, phải không? Thất bại không làm chúng ta yếu đi, mà chính là cơ hội để học hỏi, sửa chữa, vun đắp bản lĩnh và sẵn sàng biến đổi để trở thành phiên bản tốt hơn.
Một khách hàng lớn tiếng phàn nàn về chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn. Bạn ủ dột, mất hết năng lượng hoặc cố gắng “đáp trả”. Tình huống không được cải thiện. Hãy bình tĩnh đối mặt, lắng nghe, và thấu cảm với khách hàng, bạn không chỉ làm dịu được căng thẳng của họ mà còn xây dựng được lòng tin lâu dài.
Mỗi cuộc trò chuyện khó khăn là một cơ hội để bạn rèn luyện sự kiên nhẫn, kỹ năng xử lý tình huống và khả năng thấu hiểu khách hàng hơn. Những thử thách này giúp bạn trưởng thành và làm việc chuyên nghiệp hơn qua từng ngày.
Bài học số 3: Đón nhận sự giúp đỡ từ người khác
Một trong ba cách thức hàn gắn của nghệ thuật Kintsugi là Joint-call – phương pháp sử dụng các mảnh vỡ có hình dạng phù hợp từ một món đồ này để sửa chữa món đồ khác và ngược lại. Việc đó giúp các món đồ trở nên độc đáo, đặc biệt hơn và chắc chắn là hoàn thiện hơn.
Đôi khi, bạn cũng cần sự giúp đỡ từ những người xung quanh để được xoa dịu và chữa lành sau những vấp ngã. Đừng ngại chia sẻ với người mà bạn tin tưởng, cho phép mọi người lắng nghe và thấu hiểu, bạn sẽ thấy bản thân có giá trị ra sao với những người thật sự trân quý mình.
Nhiều người ngại chia sẻ nỗi buồn hay khó khăn vì sợ bị đánh giá. Nhưng thực tế, việc đón nhận sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hay đồng nghiệp không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là một cách để kết nối và phát triển. Khi bạn dám mở lòng, bạn sẽ nhận ra rằng mình không đơn độc, và có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe, đồng hành cùng bạn.
Bạn là nhân viên chăm sóc khách hàng và gặp một khách hàng khó tính, dù cố gắng nhưng vẫn chưa thể làm họ hài lòng. Thay vì căng thẳng một mình, bạn tìm đến đồng nghiệp có kinh nghiệm để xin lời khuyên, hỏi cấp trên để hiểu rõ hơn về chính sách, và chia sẻ với nhóm để nhận được sự hỗ trợ.
Nhờ đó, bạn không chỉ giải quyết vấn đề mà còn học hỏi thêm kỹ năng xử lý tình huống. Giống như Kintsugi, khi đón nhận “những mảnh ghép khác”, bạn trở nên hoàn thiện và vững vàng hơn.
Kintsugi không chỉ là nghệ thuật phục hồi gốm sứ, mà còn là triết lý trân trọng những “vết nứt” và tìm thấy vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo. Trong cuộc sống và công việc, ai cũng có những lúc vấp ngã, đặc biệt trong ngành Contact center – nơi mỗi ngày bạn phải đối mặt với áp lực, phản hồi tiêu cực và những tình huống khó lường. Nhưng chính những thử thách ấy lại là cơ hội để học hỏi, rèn luyện kỹ năng và trở nên bản lĩnh hơn.
Bạn có một tác phẩm Kintsugi của riêng mình chứ – là chính bạn, đã hoàn thiện hơn từ những trải nghiệm, những lần thất bại và cả những khoảnh khắc vực dậy đầy bứt phá?