Sự hiểu biết của chúng ta về người khác và về cuộc sống bị hạn chế vì ta nhìn nhận điều đó thông qua một thấu kính mờ ảo. Đó là thấu kính của sự phán xét dựa trên định kiến, niềm tin và quan điểm cá nhân.
Câu chuyện về tấm kính mờ
Nhà văn Paulo Coelho – tác giả của tựa sách Nhà giả kim nổi tiếng – từng kể một câu chuyện như thế này:
Một cặp vợ chồng trẻ vừa chuyển đến nơi ở mới. Mỗi sáng, nhìn qua cửa sổ, trông thấy người phụ nữ nhà kế bên đang phơi đồ, người vợ lại chẹp miệng: “Quần áo của cô ấy trông không sạch gì cả! Chắc là chưa biết giặt đúng cách. Có lẽ cô ấy cần một loại bột giặt tốt hơn.” Người chồng nghe xong thì im lặng.
Ngày qua ngày, những lời nhận xét ấy vẫn lặp lại. Cho đến một tháng sau, người vợ bất ngờ khi thấy quần áo hàng xóm phơi lên trông sạch sẽ, trắng tinh. Cô quay sang bảo chồng: “Cuối cùng cô ấy cũng học được cách giặt đồ sạch sẽ. Không biết ai đã chỉ cho cô ấy nhỉ?” Người chồng đáp: “Sáng nay anh dậy sớm và đã lau sạch cửa sổ nhà mình.”
Chúng ta có đang định kiến và vội vã phán xét?
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng đã từng như cô vợ trong câu chuyện – vội vã phán xét mà không nhận ra rằng vấn đề đôi khi không nằm ở người khác, mà ở chính bản thân mình. Chúng ta nhìn cuộc đời, nhìn mọi người qua lăng kính chứa đầy những vệt bụi, vết loang, để rồi khẳng định rằng thứ bản thân nhìn thấy không đẹp đẽ. Khi ấy, chúng ta trở nên phiến diện, tiêu cực và đầy định kiến.
Bạn đã từng đọc câu chuyện “Thầy bói xem voi” rồi đúng không? Một con voi tới và năm thầy bói mù cùng sờ vào nó. Thầy sờ chân khẳng định con voi sừng sững như cột đình. Thầy chạm vòi lại cho rằng nó sun sun như con đỉa. Hay thầy sờ đuôi nhận định chắc nịch voi tua tủa như cái chổi xể cùn. Mỗi thầy chỉ sờ một bộ phận của voi, nhưng lại quả quyết mình nhận xét về con voi là đúng.
Bản chất của sự việc đâu chỉ gói gọn ở một góc nhìn duy nhất. Một nhân viên có phần ít nói có thể bị đánh giá là không hòa đồng, nhưng từ góc nhìn khác, có thể họ đang tập trung vào công việc hoặc chỉ đơn giản, tính cách của họ có phần e dè, nhút nhát, cần sự bao dung và cởi mở từ những người khác để dễ dàng hòa nhập. Một khách hàng gọi tới với giọng điệu có phần mệt mỏi xen lẫn bực dọc vì dịch vụ họ đang sử dụng bị gián đoạn, rất có thể, họ vừa trải qua một câu chuyện đầy âu lo trong cuộc sống.
Bức tranh cuộc sống không phải chỉ là bản vẽ 2D nằm trên một mặt phẳng. Để có thể khám phá cuộc sống đa diện và đa sắc màu này một cách trọn vẹn hơn, nên chăng chúng ta cần đứng ở nhiều góc nhìn khác nhau, và đón nhận tất cả với một trái tim bao dung?