Đối thoại không chỉ đơn thuần nghe, nói và đáp mà còn là sự thấu hiểu cả về quan điểm, mong muốn, tình cảm của người đối diện thông qua ngôn từ và ngữ điệu. Một cuộc đối thoại tích cực là khi mục tiêu giao tiếp cuối cùng đạt được, vấn đề đặt ra được giải quyết. Đó là nền tảng thúc đẩy sự hợp tác, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình giao tiếp, không tránh khỏi những quan điểm, tư duy trái chiều, dẫn đến tranh luận, phản biện để tìm ra giải pháp. Những lúc ấy, chúng ta thường hay rơi vào những lỗi ngụy biện – những lối suy luận sai lệch so với các nguyên tắc logic – mà đôi khi, nó quen thuộc và thường diễn ra đến mức chính chúng ta cũng không nhận ra và thừa nhận rằng bản thân đang ngụy biện. Kết quả của những cuộc tranh luận này, dù về nội dung gì, cũng thường đi đến một kết quả chung: cuộc đối thoại mất đi giá trị ban đầu và khiến nảy sinh mâu thuẫn trong mối quan hệ.
Thử khám phá 06 lỗi ngụy biện kinh điển dưới đây xem bạn có mắc phải lỗi nào không nhé!
1. Ngụy biện chi phí đã mất (sunk cost fallacy)
Giải thích:
Ngụy biện chi phí đã mất xảy ra khi chúng ta tiếp tục theo đuổi một lựa chọn chỉ vì đã đầu tư nhiều công sức hoặc tiền bạc vào đó, thay vì thực sự để tâm đến tính hiệu quả. Khi mắc phải lỗi này, dù có những trường hợp tự hiểu rõ nó không thu về kết quả khả quan., người nói cũng thường cố kiết duy trì điều đang làm. Ví dụ ở trường hợp trên, thay vì đánh giá lại phương thức tuyển dụng và điều chỉnh, người nói lại bị “trói buộc” bởi những gì đã bỏ ra, dù kết quả không như mong muốn.
Cách tránh:
Hãy tập trung vào hiệu quả và tiềm năng tương lai thay vì những gì đã đầu tư. Thử nghĩ xem: Bạn vẫn cố kiết theo đuổi một thứ mà bạn thấy rõ là không có kết quả chỉ vì đã bỏ công sức và tiền bạc vào đó, kết quả là gì? Bạn vẫn tiếp tục lãng phí thêm công sức mà thôi!
2. Ngụy biện quyền lực (Appeal to force fallacy)
Giải thích:
Đây là một dạng ngụy biện khi ai đó không đưa ra lý lẽ thuyết phục mà dùng quyền lực hoặc (đôi khi là bạo lực) để buộc người khác làm theo ý mình. Điều này không chỉ làm giảm tính hiệu quả của cuộc đối thoại mà còn khiến môi trường làm việc trở nên căng thẳng, thiếu sự cởi mở.
Cách tránh:
Thay vì áp đặt quyền lực, hãy khuyến khích tranh luận dựa trên lý lẽ và dữ liệu thực tế. Một tổ chức mạnh là nơi mọi ý kiến đều được lắng nghe và tôn trọng.
3. Ngụy biện tấn công cá nhân (Ad hominem)
Giải thích:
Thay vì phản biện vào nội dung của vấn đề, người nói lại “tấn công” vào cá nhân người đưa ra ý kiến. Đây là một trong những lỗi ngụy biện phổ biến nhất, khiến cuộc tranh luận đi chệch hướng và bỏ lỡ cơ hội cải thiện.
Cách tránh:
Tập trung vào nội dung và lập luận, không đánh giá con người dựa trên kinh nghiệm hay quan điểm cá nhân. Một ý tưởng hay có thể đến từ bất kỳ ai, bất kể họ là ai hay họ có bao nhiêu năm kinh nghiệm trong lĩnh vực.
4. Ngụy biện bằng chứng vụn vặt (Anecdotal evidence)
Giải thích:
Lấy một số ít ví dụ cá nhân để phủ nhận một lập luận mang tính tổng quát là một lỗi sai phổ biến trong giao tiếp. Bởi vì, một số trường hợp nhỏ chưa gặp vấn đề không có nghĩa là cách làm đó luôn đúng và sẽ không bao giờ gặp vấn đề.
Cách tránh:
Khách quan dựa vào số liệu và phân tích thực tế thay vì những kinh nghiệm cá nhân rời rạc. Một giải pháp đúng đắn cần được đánh giá trên quy mô lớn hơn.
5. Ngụy biện “Bạn cũng thế”
Giải thích:
Ngụy biện này xảy ra khi một người bị chỉ ra lỗi sai và thay vì phản biện hợp lý, họ lại quay sang đáp trả bằng cách chỉ ra lỗi tương tự ở đối phương. Điều này không làm thay đổi bản chất vấn đề mà chỉ khiến cuộc tranh luận trở thành một cuộc “trả đũa” hoặc cãi vã, hơn thua.
Cách tránh:
Nào, bạn có nhận thấy rằng trẻ con rất hay sử dụng cách này để “đối đáp” nhau không? Đừng né tránh vấn đề bằng cách chỉ ra lỗi của người khác. Nếu một ý kiến đúng, nó sẽ đúng dù người nói có mắc lỗi tương tự hay không.
6. Ngụy biện vin vào truyền thống (appeal to the tradition)
Giải thích:
Ngụy biện này dựa vào quan điểm rằng “cái cũ đã/đang hoạt động tốt thì không cần thay đổi.” Nhưng thực tế chứng minh, thế giới liên tục thay đổi và điều phù hợp trong quá khứ chưa chắc còn hiệu quả trong tương lai. Hoặc kể cả khi cái cũ vẫn đang hiệu quả, thì tại sao lại bỏ qua cơ hội để tạo ra những cái có thể còn hiệu quả hơn?
Cách tránh:
Luôn cởi mở với thách thức, sự đổi mới và tự đặt câu hỏi: “Cách làm này có còn tối ưu không?” Đừng để thói quen cố hữu cản trở sự phát triển của bản thân.
Sức mạnh của đối thoại là điều vô hạn, bởi không chỉ dừng lại ở việc giải quyết những câu hỏi – đáp thông thường, đối thoại hiệu quả và thành công còn mang lại những giá trị lớn lao về sự hợp tác và phát triển bền vững của xã hội. Những lỗi ngụy biện trên không chỉ làm suy yếu cuộc tranh luận mà còn khiến chúng ta khó tìm ra giải pháp tốt nhất. Hiểu và tránh những lỗi này không chỉ giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn mà còn tạo ra một môi trường làm việc và trao đổi cởi mở, nơi mọi ý kiến đều có giá trị. Hãy luôn sắc bén, khách quan và đầy tính xây dựng trong đối thoại, bạn nhé!